Nhiệt độ trong ô tô vào mùa hè có thể lên tới 70 độ C, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu chủ xe bất cẩn để lại một số vật dụng quen thuộc như đồ trang trí bằng pha lê hay thủy tinh, chai nước khoáng, đồ uống có ga, nước hoa, thiết bị điện tử,...
Mùa hè tại Việt Nam có những thời điểm ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục, dao động từ 38 - 40 độ C. Trong điều kiện thời tiết oi bức như vậy, hiệu ứng nhà kính bên trong xe ô tô có thể đẩy nhiệt độ trong khoang nội thất lên tới 65 - 70 độ C.
Khi nhiệt độ tăng cao kèm theo ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp qua kính, nhiều vật dụng để trong xe dễ bị ảnh hưởng, có thể bị biến dạng, hư hỏng hoặc trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có nguy cơ gây cháy nổ.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, việc để một số vật dụng trong ô tô khi trời nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm hư hại nội thất mà còn có thể đe dọa tính mạng người sử dụng. Dưới đây là những đồ vật phổ biến nhưng tuyệt đối không nên để trong xe khi đỗ lâu dưới trời nắng.
Vật trang trí bằng pha lê và thủy tinh

Rất nhiều chủ xe có thói quen trang trí táp-lô hoặc gương chiếu hậu bằng các quả cầu pha lê hoặc vật phẩm bằng thủy tinh, với mong muốn tăng tính thẩm mỹ và phong thủy cho xe.
Tuy nhiên, dưới ánh nắng gay gắt, các vật liệu trong suốt này có thể hoạt động như một thấu kính hội tụ, tập trung ánh sáng vào một điểm và đốt cháy các vật liệu xung quanh như da, nhựa hoặc vải.
Đã có không ít trường hợp xảy ra cháy nhẹ do hiện tượng này. Chính vì vậy, việc loại bỏ những vật trang trí bằng thủy tinh ra khỏi xe trong mùa nắng nóng là điều cần thiết.
Chai nước khoáng

Vào mùa hè, khá nhiều chủ xe thường xuyên để những chai nước khoáng trong xe. Tuy nhiên, dưới nhiệt độ cao, chất liệu nhựa của vỏ chai có thể giải phóng các hóa chất độc hại và thôi nhiễm vào nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu uống phải.
Không chỉ vậy, vỏ chai nhựa trong suốt cũng có khả năng hội tụ ánh sáng, tương tự như thấu kính, tạo ra tia sáng mạnh có thể làm cháy các vật liệu trong xe.
Đồ uống có ga và nước hoa
Các loại nước ngọt có ga hay chai nước hoa tưởng chừng vô hại nhưng thực tế lại là những vật dụng cực kỳ nguy hiểm khi để trong xe dưới trời nắng.

Khi bị nung nóng, áp suất bên trong chai tăng cao khiến chúng có thể phát nổ, gây hư hại cho nội thất và gây nguy hiểm cho người ngồi trong xe nếu xảy ra trong lúc di chuyển.
Ngoài ra, các chất hóa học trong nước hoa cũng có thể bị phân hủy, tạo ra những khí độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bật lửa ga và bình chữa cháy mini
Bật lửa là một trong những vật dụng cá nhân thường xuyên bị bỏ quên trên xe. Tuy nhiên, vào mùa hè, đây là một "quả bom nổ chậm" thực sự. Ga bên trong bật lửa có thể giãn nở khi gặp nhiệt độ cao và phát nổ bất ngờ, gây cháy và làm hỏng nội thất xe.
Tương tự, bình chữa cháy mini nếu không được bảo quản đúng cách cũng có thể trở thành nguồn nguy hiểm.Đã có không ít vụ nổ bình cứu hỏa do để gần kính lái, nơi ánh nắng chiếu trực tiếp liên tục trong thời gian dài. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu bắt buộc phải mang theo bình chữa cháy, nên đặt ở vị trí râm mát như dưới ghế hoặc cốp phụ.

Thiết bị điện tử
Nhiệt độ cao không chỉ ảnh hưởng đến các vật dụng dễ cháy nổ mà còn gây tác động tiêu cực đến các thiết bị điện tử như điện thoại, máy ảnh, laptop,...
Nếu để lâu trong môi trường khép kín với nhiệt độ lên đến 70 độ C, các linh kiện bên trong thiết bị có thể bị hư hỏng, làm mất dữ liệu hoặc thậm chí khiến thiết bị không thể phục hồi.
Ngay cả những thiết bị cố định trên xe như camera hành trình hay cảm biến áp suất lốp sử dụng năng lượng mặt trời cũng không ngoại lệ. Đã có trường hợp đồng hồ cảm biến bị cháy xém do phơi nắng trực tiếp trong thời gian dài. Vì vậy, khi đỗ xe ngoài trời, tài xế nên tháo rời hoặc che chắn các thiết bị này cẩn thận.

Thực phẩm, thuốc men, mỹ phẩm
Bên cạnh các thiết bị điện tử hay chai lọ, một số vật dụng tưởng chừng vô hại khác như thuốc men, mỹ phẩm, thực phẩm, bánh kẹo cũng không nên để trong xe vào mùa hè.
Khi nhiệt độ trong xe vượt quá 50 độ C - điều hoàn toàn có thể xảy ra sau vài phút đỗ dưới trời nắng - các sản phẩm này dễ bị biến chất, mất tác dụng và thậm chí phát ra mùi khó chịu, bám dính vào nội thất xe rất khó xử lý.

Trong trường hợp không thể tránh việc đỗ xe ngoài trời trong thời gian dài, các chuyên gia khuyến nghị nên thực hiện một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giảm nhiệt trong khoang xe.
Cụ thể, việc sử dụng tấm chắn nắng cho kính lái, phủ bạt phản quang toàn thân xe, hoặc hé cửa kính một khe nhỏ giúp khí nóng có thể thoát ra ngoài, giảm hiệu ứng nhà kính tích tụ trong ca-bin.
Ngoài ra, nên ưu tiên đỗ xe dưới bóng cây, tầng hầm hoặc khu vực có mái che để hạn chế tác động trực tiếp của ánh nắng. Những hành động nhỏ này không chỉ giúp bảo vệ nội thất xe mà còn đảm bảo an toàn cho chính người sử dụng.