Thương hiệu ô tô Trung Quốc BYD đang điều chỉnh chiến lược tại châu Âu và Việt Nam bằng cách mở rộng danh mục sản phẩm hybrid cắm sạc (plug-in hybrid - PHEV), nhằm thích ứng tốt hơn với nhu cầu và hạ tầng thực tế.
Dù được biết đến là một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, thương hiệu Trung Quốc BYD lại ghi nhận doanh số bán ô tô hybrid cắm sạc (PHEV) vượt trội hơn xe thuần điện.
Thực tế này đang trở thành yếu tố chiến lược giúp BYD linh hoạt điều chỉnh hướng đi tại một số thị trường, đặc biệt là châu Âu và Việt Nam.
Khi đặt chân vào thị trường châu Âu - nơi vẫn còn nhiều người dùng trung thành với động cơ đốt trong, BYD nhanh chóng nhận ra rằng, chỉ riêng các mẫu xe thuần điện hiện đại và bắt mắt là chưa đủ để thuyết phục số đông.
Người tiêu dùng tại đây vẫn giữ tâm lý dè chừng với việc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện, trong khi hạ tầng trạm sạc vẫn chưa thực sự hoàn thiện ở nhiều quốc gia.

Trước tình hình đó, BYD đang tích cực mở rộng danh mục xe hybrid cắm sạc (plug-in hybrid - PHEV) để tiếp cận đối tượng khách hàng chưa sẵn sàng "chia tay" với động cơ truyền thống.
Tại một sự kiện gần đây tổ chức ở Stuttgart (Đức), bà Maria Grazia Davino - Giám đốc BYD khu vực châu Âu - đã xác nhận hãng sẽ ra mắt ít nhất hai mẫu xe PHEV mới trong năm 2025.
Theo bà, chiến lược hiện tại của BYD là tạo sự cân bằng giữa nhu cầu khách hàng và khả năng vận hành hệ thống phân phối, với hai trụ cột chính là xe thuần điện và dòng DM-i (PHEV).
Trong quý I/2025, doanh số BYD tại châu Âu đạt hơn 37.000 xe, tăng trưởng khoảng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các sản phẩm của hãng vẫn đang phải chịu thuế nhập khẩu cao do được sản xuất tại Trung Quốc.

Để khắc phục điều này, BYD đã khởi động việc xây dựng các nhà máy lắp ráp tại Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Những cơ sở này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp xe điện và PHEV cho toàn bộ thị trường châu Âu, giúp hãng tối ưu hóa chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh các dòng xe phổ thông, BYD cũng bắt đầu "lấn sân" sang phân khúc cao cấp tại châu Âu với thương hiệu con Denza. Mẫu xe đầu tiên ra mắt tại đây là Denza Z9 GT - đối thủ được định vị cạnh tranh trực tiếp với Porsche Taycan Sport Turismo.
Tình hình tại thị trường Việt Nam cũng phản ánh một phần những thách thức mà BYD đang gặp phải. Sau màn ra mắt rầm rộ vào tháng 8/2024 với loạt xe thuần điện như Dolphin, Atto 3 và Seal, hãng tiếp tục giới thiệu nhiều mẫu xe khác như MPV M6, Han EV và Denza D9.

Thế nhưng, mức độ đón nhận của người dùng Việt chưa đạt kỳ vọng.Rào cản hạ tầng trạm sạc, sự mới lạ của thương hiệu, và tâm lý thận trọng từ phía người tiêu dùng là những yếu tố cản trở BYD mở rộng thị phần.
Thay vì kiên định với xe thuần điện, đầu tháng 4 năm nay, BYD đã giới thiệu mẫu PHEV đầu tiên tại Việt Nam mang tên Sealion 6.
Đây được xem là quân bài chiến lược mới, có thể là "trụ cột ẩn" trong kế hoạch chinh phục người dùng Việt, đặc biệt khi thói quen sử dụng xe vẫn còn nặng về yếu tố tiện dụng và linh hoạt.

Việc bổ sung thêm nhiều mẫu hybrid cắm sạc không chỉ giúp BYD tăng tính cạnh tranh mà còn cho thấy sự nhạy bén và thích nghi trong chiến lược toàn cầu.