Phân làn cứng trên đường Phạm Văn Đồng: Giải pháp giao thông hay tạo thêm áp lực?

Mai Hương Mai Hương
Thứ năm, 03/07/2025 11:25 AM (GMT+7)
A A+

Từ ngày 1/7, Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm phân làn bằng dải phân cách cứng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, quy định mới này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là lo ngại về việc xe máy bị thu hẹp không gian lưu thông.

Lo ngại dồn phương tiện vào làn hỗn hợp

Theo phương án được Sở Xây dựng Hà Nội công bố, đường Phạm Văn Đồng sẽ được chia thành 2 làn dành riêng cho ô tô và 3–4 làn hỗn hợp, trong đó ô tô vẫn được phép đi vào làn hỗn hợp.

Điều này khiến không ít người dân băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép ô tô đi vào làn hỗn hợp khiến mục tiêu tách làn trở nên hình thức, đồng thời làm gia tăng áp lực cho xe máy – phương tiện chiếm tỷ trọng lớn tại Hà Nội.

05

Không gian lưu thông bị thu hẹp, xe máy và ô tô phải chia sẻ làn đường dễ dẫn tới xung đột giao thông và nguy cơ tai nạn.

Thực tế ghi nhận sau khi lắp đặt dải phân cách, tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm tại tuyến đường này và cả đường Võ Chí Công có dấu hiệu tăng rõ rệt, nhất là khi trời mưa.

Cơ quan chức năng nói gì?

Trước các thắc mắc về quy định phân làn, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết dải phân cách cứng chỉ kéo dài đến cách nút giao từ 250 - 300m. Phương tiện đến đây có thể tự do lựa chọn hướng đi thẳng hoặc rẽ theo nhu cầu.

06

Với cách tổ chức này, mục tiêu chính là ngăn xe máy đi vào làn dành riêng cho ô tô. Tuy nhiên, việc ô tô vẫn được di chuyển linh hoạt trên cả hai loại làn lại làm dấy lên tranh cãi về tính công bằng trong sử dụng hạ tầng giao thông.

Chuyên gia phản biện: Cần làn riêng thực sự cho xe máy

TS Phan Lê Bình – chuyên gia giao thông đô thị – đồng tình với chủ trương tách làn để nâng cao an toàn và hình thành văn hóa giao thông trật tự.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nếu vẫn cho ô tô di chuyển trong làn hỗn hợp thì việc phân làn sẽ không phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Theo ông Bình, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc không nằm ở lượng phương tiện tăng mà do tổ chức giao thông chưa hợp lý.

07

Việc để ô tô "tràn" vào làn xe máy đã khiến loại phương tiện phổ biến này bị dồn vào không gian chật hẹp.

Ông nhấn mạnh: “Việc cấm xe máy đi vào làn ô tô là cần thiết. Nhưng nếu để ô tô đi lẫn vào làn của xe máy thì xe máy sẽ không còn đường để đi. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra ùn tắc”.

Cảnh báo từ bài học quốc tế

Chuyên gia này cũng đưa ra bài học thực tiễn từ Thủ đô Yangon (Myanmar), nơi từng ban hành lệnh cấm xe máy vào trung tâm thành phố.

Người dân lập tức chuyển sang mua ô tô, dẫn đến việc giao thông nội đô rơi vào tình trạng quá tải kéo dài.

“Tại Hà Nội, xe máy vẫn là phương tiện thiết yếu của đại đa số người dân.Nếu không có chính sách bảo vệ không gian di chuyển hợp lý cho xe máy, hệ quả sẽ rất khó lường,” ông Bình cảnh báo.

08

Ông kiến nghị thành phố cần quy định làn xe máy riêng biệt, nghiêm cấm ô tô đi lẫn vào, trừ khi chuẩn bị rẽ phải. Đồng thời, cần chấm dứt tình trạng ô tô dừng, đỗ dọc đường gây cản trở giao thông.

Theo thông báo mới nhất từ Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi hoàn tất phân làn cứng tại Phạm Văn Đồng, phương án tương tự sẽ được áp dụng tại đường Võ Chí Công. Tuyến này sẽ được chia thành 3 làn ô tô và 2 làn hỗn hợp.

09

Các phương án này được thiết lập dựa trên số liệu thực tế và mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng.

Tuy nhiên, trước những băn khoăn từ phía người dân và chuyên gia, hiệu quả của giải pháp vẫn cần được tiếp tục theo dõi và đánh giá trên thực tiễn.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm