Nổ lốp ô tô: Nguyên nhân thường gặp, dấu hiệu cảnh báo và cách xử lý an toàn

Trang Trang
Chủ nhật, 06/07/2025 20:00 PM (GMT+7)
A A+

Lốp ô tô nổ bất ngờ không chỉ khiến xe mất lái mà còn đẩy người lái vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Trang bị kiến thức xử lý và bảo dưỡng đúng cách là yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn mỗi chuyến đi.

Nổ lốp xe - "hung thần" thầm lặng trên xa lộ

Vào khoảng 0h35 ngày 3/7 (giờ Madrid), Diogo Jota - tiền đạo đang khoác áo CLB Liverpool và đội tuyển Bồ Đào Nha - cùng em trai đã tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên xa lộ A-52, tỉnh Zamora, Tây Ban Nha. 

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe nổ lốp khi đang di chuyển ở tốc độ cao, dẫn đến mất lái, lật nhiều vòng rồi bốc cháy dữ dội.

Theo thống kê từ Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA), mỗi năm có khoảng 11.000 vụ tai nạn liên quan đến nổ lốp, trong đó hơn 200 người thiệt mạng.

Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến nổ lốp

NoLopOto

Nổ lốp khi đang lưu thông là hậu quả của nhiều yếu tố, chủ yếu đến từ áp suất lốp không phù hợp và chất lượng lốp đã xuống cấp. Cụ thể:

  • Áp suất quá cao: Việc bơm lốp vượt mức khuyến cáo khiến áp lực bên trong tăng cao, khiến lốp dễ bị bung khi gặp chấn động mạnh.
  • Lốp quá non: Lốp thiếu hơi sẽ bị biến dạng khi xe chịu tải, dễ sinh nhiệt và tạo các vết rách ngang hoặc bị đâm thủng do tiếp xúc nhiều với mặt đường.
  • Chở quá tải: Xe vượt quá tải trọng cho phép khiến lốp bị ép quá mức, dẫn tới nguy cơ nổ bất cứ lúc nào.
  • Lốp cũ, mòn hoặc cao su đã lão hóa: Những chiếc lốp có bề mặt trơn, nứt vỡ hoặc đã sử dụng vượt quá tuổi thọ từ 7-10 năm sẽ không còn khả năng chịu lực và chịu nhiệt tốt, rất dễ xảy ra sự cố khi chạy tốc độ cao.

Dấu hiệu và cách xử lý khi nổ lốp trên đường

Tài xế có thể nhận biết tình trạng nổ lốp qua một số biểu hiện rõ rệt: tiếng nổ lớn, hơi xì mạnh, vô-lăng bị rung lắc hoặc lệch hướng, sau đó xe đột ngột mất khả năng kiểm soát.

NoLopOto-1

Khi gặp sự cố, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh. Người điều khiển xe tuyệt đối không nên đạp phanh gấp vì có thể khiến xe xoay ngang hoặc lật. Hãy làm theo các bước sau:

  • Buông nhẹ chân ga, giữ chặt vô-lăng bằng cả hai tay.
  • Điều chỉnh tay lái theo hướng mong muốn, giữ cho xe đi thẳng càng lâu càng tốt.
  • Hướng mắt về phía xa, xác định làn đường an toàn để đưa xe dừng lại.
  • Từ từ rà phanh, bật đèn cảnh báo nguy hiểm.
  • Tìm điểm dừng hợp lý như lề phải đường, làn khẩn cấp.
  • Đặt biển cảnh báo từ xa, gọi cứu hộ hoặc thay lốp dự phòng nếu đủ điều kiện an toàn.

Làm sao để phòng tránh nổ lốp từ trước?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc bảo dưỡng định kỳ và chủ động kiểm tra lốp xe là giải pháp tối ưu giúp giảm thiểu rủi ro nổ lốp.Tài xế cần:

  • Bơm lốp đúng áp suất theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thường được ghi rõ ở khung cửa xe.
  • Không sử dụng lốp quá hạn, kể cả khi gai lốp còn sâu, đặc biệt với các lốp đã trên 7 năm tuổi.
  • Kiểm tra độ mòn, các vết rạn nứt hoặc dấu hiệu thoát hơi bất thường.
  • Không vá lốp quá 3 lần, theo khuyến cáo từ Bridgestone Australia.
  • Đảo lốp sau mỗi 10.000-20.000 km hoặc sau mỗi 6 tháng để đảm bảo độ mòn đều.
  • Lắp cảm biến áp suất lốp để theo dõi tình trạng lốp theo thời gian thực, giúp phát hiện sớm nguy cơ và xử lý kịp thời.
  • Tránh đỗ xe ngoài trời lâu ngày, vì ánh nắng và tia UV có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cao su.
NoLopOto-2

Ngoài ra, khi lái xe, cần chủ động tránh các vật sắc nhọn, ổ gà, và không chạy ở tốc độ cao liên tục quá lâu, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm